Bức tranh thiên nhiên rực sắc màu – Cảnh lá vàng trang hoàng cả mùa thu Nhật Bản

Có ai đã từng biết đến mùa lá vàng (kouyou) ở Nhật chưa? Mỗi độ Thu sang, lá cây lại chuyển từ màu xanh sang vàng, nâu hay đỏ. Hiện tượng tự nhiên đó được biết đến với tên gọi kouyou (紅葉). Nhưng không phải cây nào lá cũng thay màu như thế, chỉ có cây anh đào, cây phong, cây sồi hay bạch quả – những loại cây lá rộng rụng lá vào mùa đông mới diễn ra hiện tượng kouyou này.

Thu sang, những tán lá đương xanh thẫm bắt đầu chuyển vàng. Khắp nước Nhật, từ núi đồi đến thành thị đều phủ lên một màu lá đỏ đỏ vàng vàng lộng lẫy. Vùng đồi núi có nhiều cây lá rộng hơn nên thời kỳ chuyển màu càng trông thấy rõ rệt. Đây cũng là khoảng thời gian yêu thích của người Nhật. Cũng như mùa anh đào nở dịp Xuân, mùa lá vàng mỗi độ Thu là một sự kiện lớn được rất nhiều người Nhật chờ đón.

Thế nhưng vì sao lá cây đang xanh, Thu tới lại chuyển sang màu vàng, màu đỏ? Chuyên mục kỳ này xin được giới thiệu chi tiết cơ chế lá chuyển vàng – kouyou, mời các bạn cùng đón đọc nhé!

Cơ chế của kouyou – lá chuyển vàng

Mùa Thu, ánh sáng mặt trời giảm dần, nhiệt độ cũng giảm và thời gian nắng ngắn lại, quá trình quang hợp của cây bị suy giảm. Thế nên cây sẽ nhận định lá không còn cần thiết nữa và ngưng cung cấp chất dinh dưỡng cho lá, bắt đầu chuẩn bị cho quá trình rụng lá. Kết quả là sắc tố khiến lá có màu xanh (diệp lục) bị phân giải, đồng thời những sắc tố khác được hoạt hoá, nhờ đó mà lá cây chuyển thành màu đỏ hay vàng.

Trong loại lá chuyển vàng, vào mùa Thu, sắc tố xanh (diệp lục) sẽ bị phân giải hết đi, thay vào đó sắc tố vàng (carotenoid) vốn có của lá được dịp nổi bật lên, kết quả là lá cây hoàn toàn ngập trong sắc vàng. Còn trong loại lá chuyển đỏ, lá sẽ tổng hợp thêm sắc tố đỏ anthocyanin. Trong loại lá chuyển nâu, các chất chứa tannin hay flobafen (chất chứa tannin đã qua quá trình oxi hoá – trùng hợp phức tạp) tích tụ lại, trải qua quá trình tổng hợp sắc tố mới như vậy, lá cây sẽ biến đổi từ màu xanh sang đỏ hoặc nâu.

Hết mùa lá vàng thì lá cây cũng rụng hết. Có thể nói những chiếc lá thu thể hiện trạng thái lão hoá của cây và cũng là phút huy hoàng cuối cùng của lá trong vòng đời một chiếc lá.

Điều kiện để có được tán lá vàng rực rỡ

Độ huy hoàng của lá vàng mùa Thu có thể thay đổi tuỳ vào điều kiện khí hậu. Nhìn chung, nếu đạt được các yếu tố: 1) Thời tiết trong ngày tốt, 2) Có sự chênh lệch nhiệt độ giữa trưa và tối, 3) Lượng mưa và lượng nước phù hợp thì mùa lá vàng sẽ vô cùng rực rỡ. Ngoài ra “ít chịu thiệt hại do bão" cũng là một điều kiện quan trọng.

Các loại cây có lá chuyển đỏ

Đại diện là cây phong, anh đào, đỗ quyên,…

Con đường rực lửa lá phong trải dài đến một ngôi chùa trên núi ở Kyoto

Hàng cây anh đào lá đỏ trước bóng Tokyo Skytree, nhìn từ Asakusa vào ban đêm

Đỗ quyên lá đỏ như bùng cháy trong sân chùa Ankoku ở tỉnh Hyogo

Các loại cây có lá chuyển vàng

Đại diện là cây liễu, bạch quả,…

Con đường trong khuôn viên Đại học Hokkaido nhuốm vàng bởi hai hàng cây bạch quả

Mùa lá vàng với bóng liễu, bóng phong ở công viên Maruyama, Kyoto. Những ngọn lá vàng xen giữa là của cây liễu.

Các loại cây có lá chuyển nâu

Đại diện là cây sồi, liễu sam, cây du,…

Thành phố Towada thuộc tỉnh Aomori. Rừng sồi đượm màu đỏ cam soi bóng mặt hồ tạo nên cảnh vật rực lửa.

Con đường với hàng cây thuỷ sam (thuộc loài liễu sam) hướng ra cao nguyên Makino, tỉnh Shiga. Màu cam của lá trải dài suốt 2,4km đường hầm.

Đến đây là bài giới thiệu về cơ chế giúp mùa lá vàng (kouyou) trang hoàng cả mùa thu Nhật Bản đã kết thúc rồi. Nếu hỏi lá cây bình thường màu xanh, cớ sao lại chuyển sang đỏ, nâu hay vàng thì các bạn cứ giải thích bằng cơ chế này nhé! Nhưng cơ chế chuyển màu đó có lợi gì cho cây, hay nói cách khác “vì sao" lá cây phải thay màu, vì sao “kouyou" phải diễn ra, thì có vẻ như trình độ khoa học hiện nay vẫn chưa thể giải đáp được. Cá nhân ODAJI tôi thì mạn phép nghĩ rằng: “Lá vàng hay hoa anh đào đều là món quà của Thượng đế ban tặng để nuôi dưỡng tâm hồn con người mà thôi!".