Đặc trưng mùa hè Nhật Bản – Các loài động thực vật gắn liền tuổi thơ với quê nhà!

Chuỗi bài viết về “Đặc trưng mùa Hè Nhật Bản" đã đến rồi đây. Kỳ 2 lần này sẽ là về chủ đề “Động thực vật" đó nha!

Ve – ngân nga ngày hè

Nhắc đến mùa Hè là ngay lập tức trong đầu tôi liên tưởng đến “ve". Ve vốn là loài vật sinh sống chủ yếu tại các vùng nhiệt đới hoặc cận nhiệt đới, có thể ở Việt Nam không có nhiều chủng loại cho lắm, nhưng ở Nhật có đến 10 loại ve. Loài ve ở hình trên là “Aburazemi", một trong những loài ve thấy nhiều nhất ở Tokyo.

Đặc điểm của loài ve là “tiếng kêu" của chúng đúng không nào! Những loại côn trùng khác cũng phát ra tiếng kêu, nhưng tiếng kêu của ve rất độc đáo. Tiếng ve kêu hoàn toàn khác nhau theo từng chủng loại, và tiếng ve vang vọng cũng khiến chúng ta thấy vui tai hơn trong mùa Hè. Nhưng ve kêu cốt không phải để khiến chúng ta vui vẻ. Chỉ ve đực mới phát ra tiếng kêu để cầu hôn bạn tình là con ve cái. Bạn đọc nào quan tâm đến tiếng ve có thể tham khảo website này. Khi bạn nhấn vào nút “nghe tiếng ve kêu" màu xanh ở bên dưới góc phải hình con ve nào, thì sẽ nghe được tiếng kêu của loài ve đó. Thú vị đấy chứ!

Nhật Bản là vùng ôn đới nên chỉ có thể nghe thấy tiếng ve kêu vào mùa Hè mà thôi. Vào khoảng tháng 7 là ve sẽ kêu hàng loạt. Ve bắt đầu cất tiếng cũng là lúc người Nhật biết rằng, “Chà, cuối cùng thì mùa Hè oi ả của năm nay cũng đến rồi!".

Bọ cánh cứng – vua của các loài côn trùng

Bọ cánh cứng cũng là một đại diện tiêu biểu báo hiệu mùa Hạ tới. Tôi cứ phân vân mãi, vì không biết nên chọn ve hay bọ cánh cứng để đưa lên đầu tiên nữa. Bọ cánh cứng, được mệnh danh là “vua của các loài côn trùng", cực kỳ được bọn trẻ yêu thích. Không chỉ nuôi và quan sát, bọn trẻ con còn chơi đùa với chúng, ví dụ như trò gắn sợi chỉ vào sừng rồi cho chúng nó kéo vật nặng. Bọ cánh cứng có thể kéo vật nặng hơn gấp 20 lần trọng lượng cơ thể chúng, nên tụi nhỏ ngưỡng mộ sức mạnh đó lắm.

Ngoài ra còn có trò cho 2 con đực giao đấu với nhau. Gọi là đấu vậy chứ trò này rất đơn giản, chỉ cần dùng sừng lật ngửa được đối thủ là thắng rồi. Trò này được gọi là “Sumo côn trùng". Có được con bọ cánh cứng vừa khoẻ vừa to, vừa mạnh mẽ như Sumo, đối với trẻ con mà nói, cứ như có được vị trí đáng nể trong đám bạn bè vậy, dễ dàng có được sự ngưỡng mộ từ mấy đứa trẻ khác.

Đom đóm – tỏa sáng màn đêm

Tôi sẽ giới thiệu một loài côn trùng nữa khiến tôi liên tưởng ngay đến mùa Hè. Từ hình phía trên bạn có đoán ra được là con gì không? Đúng rồi, chính là “đom đóm" đấy! Rất nhiều đom đóm đang phát sáng và nhảy múa trên mặt nước. Trên hình ta chỉ thấy toàn là đường sáng màu vàng, nhưng mà ngoài đời thực trông như vầy nè.

Như bạn có thể thấy, đom đóm có bộ phận phát sáng ở phần đuôi, và các phản ứng hoá học sẽ xảy ra tại đây và tạo nên chất phát sáng. Không chỉ con đực mà con cái cũng phát sáng, cả con con cũng vậy. Hiệu suất của cơ chế phát sáng ở đom đóm khá cao, hầu như không sinh nhiệt, nên nhìn khá mát mắt. Vào những đêm Hè oi bức mà chiêm ngưỡng ánh sáng êm dịu từ đom đóm, ta sẽ quên đi cái nóng mùa Hè dù chỉ trong khoảnh khắc.

Để đom đóm có thể sinh sôi nảy nở, cần phải có lưu lượng nước sạch. Những con sông tự nhiên ở Nhật đang dần nhường chỗ cho sự phát triển, môi trường tự nhiên dần bị phá huỷ, nên nhất thời dẫn đến sự suy giảm đáng kể những con sông có thể thấy được đom đóm. Người dân nhận ra rằng không thể để tình trạng này tiếp diễn được nữa, nên đã rất nỗ lực để khiến số lượng đom đóm tăng trở lại trong những năm gần đây. Thậm chí tại một khu vườn của khách sạch ở vùng trung tâm Tokyo còn thấy được đom đóm nữa.

Dưới đây là video về Khách sạn Chinzansou Tokyo.

Asagao – Hoa bìm bìm

Đây là một loài thực vật dạng dây leo, nở rất nhiều bông có hình dạng và màu sắc giống hình trên. Hoa nở vào đầu Hè, một loài hoa quen thuộc với người Nhật chúng tôi, gợi nhớ đến chuyến thăm sắp tới của mùa Hè. Loài hoa này có nguồn gốc từ Trung Quốc Đại Lục, từ khi xuất hiện ở Nhật Bản, đặc biệt là từ công cuộc cải tiến giống vào thời Edo, nó đã trở thành loài hoa tượng trưng cho mùa Hè. Chính vì thế mà loài hoa này được gọi bên tiếng Anh là “Japanese Morning Glory".

Nhân đây xin nói thêm, mỗi năm vào khoảng tháng 5, học sinh lớp 1 tiểu học trên toàn nước Nhật sẽ trồng Asagao và viết “Nhật ký quan sát". Asagao là loài thực vật phát triển nhanh chóng, chỉ 1 đến 2 tháng từ lúc gieo hạt là hoa nở, chỉ cần biết cách là ngay cả trẻ con cũng trồng được tốt tươi, chẳng phải là một phương pháp cực kỳ hiệu quả trong giáo dục trẻ em hay sao? Loài hoa mùa Hè mà rất nhiều người Nhật trồng đầu tiên trong đời không đâu khác chính là Asagao.

Hoa hướng dương – rực rỡ ngày hè

Tôi xin giới thiệu thêm một loài hoa khiến chúng ta liên tưởng đến mùa Hè. Đó là “hoa hướng dương". Khi trưởng thành, loài hoa này cao đến 3m, bông hoa nở to khoe sắc vàng từ mùa hè đến mùa thu. Không cần phải nói, hình dạng và màu sắc của hoa rực rỡ như mặt trời, hoa hướng dương mang trong mình một ý nghĩa dạt dào cảm xúc rằng “Tớ chỉ ngước nhìn về phía cậu thôi!", và được đông đảo người Nhật yêu mến như là loài hoa thổi bay đi cái nóng thiêu đốt mùa Hè.

Cá vàng – bơi bơi trong bể nước

Sinh vật sống tiếp theo làm chúng ta liên tưởng đến mùa Hè mà tôi muốn giới thiệu là cá. Trong số đó, loài cá phù hợp nhất khi nhắc đến mùa Hè không đâu khác chính là “cá vàng". Tại sao nhìn vào cá vàng lại liên tưởng đến mùa Hè vậy nhỉ? Bởi trông mấy con cá vàng bơi bơi trong dòng nước mát vào mấy ngày Hè nóng bức mang lại cảm giác sảng khoái chăng? Cũng có phần đúng. Thế nhưng, có lẽ là do sức ảnh hưởng từ sự kiện diễn ra vào mùa Hè. Đúng rồi, chính là “Natsu matsuri" – lễ hội mùa Hè đấy! Khi đến lễ hội mùa Hè, có rất nhiều quầy hàng nối tiếp nhau, chắc chắn trong số đó phải có cửa hàng “Vớt cá vàng" rồi.

Trẻ con Nhật Bản đều một lần trong đời mặc Yukata đi chơi lễ hội, vừa than “Nóng quá, nóng quá!", vừa một bên tay cầm quạt, một tay kia vớt cá vàng. Trong những ký ức vui tươi về mùa Hè như thế, không thể thiếu sư tồn tại của cá vàng.

Ayu – cá thơm

Tôi muốn giới thiệu thêm một loài cá đại diện cho mùa Hè nữa, đó chính là Ayu – cá thơm.

Cá Ayu trưởng thành sinh sống và đẻ trứng ở sông, nhưng cá con nở từ trứng sẽ bơi ra biển và lớn lên ở biển. Cá Ayu con khi đã trưởng thành, từ cuối mùa Xuân đến đầu mùa Hè sẽ vượt sông để đẻ trứng. Lứa cá Ayu được đánh bắt vào thời kỳ này cực kỳ thơm ngon, nhưng cả năm chỉ duy nhất vào khoảng thời gian này, tức đầu mùa Hè, ta mới có thể ăn được. Vì thế hễ mà thấy cá Ayu được xếp ở hàng cá hay siêu thị, là thế nào người Nhật cũng cảm nhận rõ ràng rằng “A, Hè lại đến rồi!".

Để bắt được cá Ayu vào thời kỳ ngon nhất này, ở Nhật từ xưa đã nghĩ ra nhiều phương pháp đánh bắt cá khác nhau. Ví dụ như phương pháp “Tomodzuri". Đây là cách câu lợi dụng sức căng dây của con cá Ayu, hễ đến Hè là có rất nhiều người đi câu cá Ayu tại các con sông ở Nhật Bản.

Ngoài ra còn có phương pháp câu “ukai" nữa.

Đây là phương pháp câu truyền thống Nhật Bản, sử dụng những con chim “U" – chim cốc để bắt cá Ayu. Ukai tổ chức tại Nagaragawa tỉnh Gifu là nổi tiếng nhất. Cho đến hiện tại, Ukai được tổ chức nhằm mục đích du lịch, nên cứ đến thời kỳ này là lại có đông đảo mọi người đến đây để chiêm ngưỡng. Ukai quả nhiên cũng chính là đặc trưng mùa Hè Nhật Bản mà chỉ có thể thấy được khi Hè đến mà thôi.

Kỳ sau sẽ là “Đặc trưng mùa hè Nhật Bản – Các sự kiện", các bạn nhớ đón xem nhé!