Thông điệp ẩn chứa trong hoa (2) Ngôn ngữ loài hoa Nhật Bản

Trong bài trước tôi đã giới thiệu với các bạn ngôn ngữ loài hoa thế giới. Lần này tôi xin nói về ngôn ngữ các loài hoa tiêu biểu Nhật Bản. Như đã nói, khái niệm “ngôn ngữ của hoa” bắt nguồn từ châu Âu thế kỷ XIX. Vậy nó đã du nhập vào Nhật như thế nào?

Nguồn gốc “ngôn ngữ loài hoa” Nhật Bản

Trào lưu ngôn ngữ loài hoa thịnh hành ở châu Âu truyền đến Nhật Bản vào cuối thế kỷ XIX. Lúc này ở Nhật, thời Edo kéo dài 260 năm vừa kết thúc, nhường bước cho thời Meiji mới bắt đầu. Đó là thời kỳ Nhật Bản mở cửa giao lưu với thế giới, tích cực tiếp thu văn hóa nước ngoài. Trong số các quốc gia phương Tây, Nhật Bản đặc biệt có quan hệ tốt với Anh và Đức. Từ hai nước này rất nhiều yếu tố văn hóa châu Âu đã nhập cảng Nhật, ngôn ngữ loài hoa cũng du nhập trong thời kỳ này.

Ban đầu mọi người sử dụng luôn ngôn ngữ các loài hoa theo nguyên bản châu Âu, nhưng dân Nhật vốn có truyền thống tiếp thu linh hoạt, có chọn lọc. Thời đó lại đang thịnh hành chủ trương Wakon-yōsai (Hòa hồn Dương tài), nghĩa là tích cực tiếp thu tinh hoa tri thức và công nghệ tiên tiến của phương Tây nhưng chọn lọc, sắp xếp lại theo bản sắc dân tộc. Do đó ngôn ngữ các loài hoa cũng dần thích nghi theo tinh thần Nhật, còn được sáng tạo thêm nhiều sắc thái ý nghĩa rất riêng nữa. Tất nhiên với những loài hoa cỏ chỉ có ở Nhật thì ngôn ngữ của nó là sự sáng tạo riêng của người Nhật.

Ngôn ngữ loài hoa Nhật Bản

Anh đào (sakura)

Tương truyền vào thời đại thần thoại xa xưa, có vị nữ thần là Konohana Sakuya-hime đã từ trên đỉnh núi Phú Sĩ rải hạt giống anh đào ra khắp mọi miền Nhật Bản. Cái tên sakura của hoa anh đào có lẽ là đọc trại từ tên nữ thần Sakuya mà ra. Ý nghĩa của anh đào là “tuyệt sắc giai nhân”, “sự thuần khiết”, “vẻ đẹp tinh thần”, “sự giản dị”, v.v..

Hoa mơ (ume)

Hoa mơ nở vào đầu xuân, tượng trưng cho vẻ đẹp quý phái, thể hiện “tinh thần bất khuất”, “sự cao quý”, “trang trọng”, “phong nhã”.

Hoa trà (tsubaki)

Mệnh danh là hoa hồng của Nhật Bản, hoa trà mang vẻ đẹp nhã nhặn đậm nét phương Đông, thể hiện “nét dịu dàng e ấp”, “niềm kiêu hãnh”, “sự kính yêu”, “thán phục”, “hoàn mỹ”.

Mẫu đơn (botan)

Nổi tiếng từ thời xưa với danh xưng “hoa vương”, mẫu đơn thể hiện “cá tính”, “sự cao quý”, “e thẹn”, “bẽn lẽn”.

Tử đằng (fuji)


Những chùm hoa tử đằng thướt tha, đung đưa trong làn gió nhẹ buổi đầu xuân hệt như những cô gái trẻ trong tà áo kimono. Hoa tử đằng thể hiện “sự dịu dàng”, “chào đón”, “bên nhau không rời”.

Violet (sumire)

Loài hoa tím nhỏ nhắn, e thẹn khẽ mọc bên đường báo hiệu tiết xuân về với muôn nơi, thể hiện “sự chân thành”, “khiêm nhường”.

Cúc (kiku)

Loài hoa cao quý, biểu tượng của hoàng gia Nhật Bản, thể hiện “thân phận cao quý”, “nhân cách cao quý”, “phẩm chất cao quý”.

Cẩm tú cầu (ajisai)

Cẩm tú cầu Nhật thường nở vào mùa mưa, mang lại cảm giác tươi mới, khoẻ khoắn cho mọi người. Đó là hình ảnh “cô gái đầy sức sống”, “tình yêu nhẫn nại”, “đoàn tụ, gắn kết gia đình”.

Bách hợp (yuri)


Bách hợp là loài hoa sang trọng chỉ mọc trong núi sâu giữa thiên nhiên xa khuất tầm mắt con người, chỉ “sự trong sáng”, “thuần khiết”, “uy nghiêm”.

Hướng dương (himawari)

Loài hoa rực rỡ tràn đầy sức sống mùa hè, thể hiện “niềm khát khao”, “say đắm nhìn em”, “tình yêu nồng cháy”, “nhiệt huyết”.

Vậy là tôi đã giới thiệu đến các bạn ngôn ngữ của những loài hoa tiêu biểu ở Nhật. Bạn cảm thấy thế nào?

Thật ra cùng một loài hoa nhưng màu sắc và chủng loại khác nhau cũng sẽ có ý nghĩa khác nhau. Ở trên tôi chỉ giới thiệu những ý nghĩa tiêu biểu nhất của từng loài mà thôi. Bạn có thể xem thêm ở các trang sau (lưu ý chỉ có tiếng Nhật):

Từ điển Ngôn ngữ loài hoa(http://www.hanakotoba.name/

Từ điển Ngôn ngữ loài hoa (tra ngược)
http://hanakotoba-labo.com/2nd-jiten-gyaku.htm

Ngôn ngữ hoa trước hết là dạng thông điệp mã hoá gửi đến người nhận hoa, nhưng đồng thời cũng là cách cảm nhận thành lời của chủ thể. Cùng một loài hoa nhưng người ngoại quốc cảm nhận thế này, người Nhật cảm nhận thế khác. Qua ngôn ngữ các loài hoa Nhật Bản, hi vọng các bạn phần nào thấy được cách cảm nhận rất riêng của người Nhật.