Kiến thức cơ bản về thực vật phong phú Nhật Bản – Thảm hoa xinh tươi của đất

Nhật Bản là đất nước có thiên nhiên đa dạng, phong phú. Với lãnh thổ gồm hàng nghìn đảo trải dài hơn 3000km từ bắc xuống nam, Nhật Bản nằm vắt qua ba đới khí hậu: cận hàn đới, ôn đới, cận nhiệt đới.
Địa hình mấp mô lồi lõm, từ vùng duyên hải đến núi cao hơn 3000m, chênh lệch độ cao thật đáng kể. Thời tiết có bốn mùa rõ rệt, thiên nhiên vô cùng đa dạng với đủ kiểu loại rừng rậm, đồng cỏ, sông ngòi, đầm lầy, bãi triều, rặng san hô, v.v..
Trên khắp mọi miền lãnh thổ đa dạng này có vô số loài thực vật thích nghi, sinh sôi phát triển mạnh mẽ. Loạt bài này xin giới thiệu đến các bạn hệ thực vật phong phú ở Nhật. Trước tiên chúng ta cùng ngẫm lại xem thực vật nghĩa là gì nhé.

Thực vật là gì?

Chúng ta thường phân sinh vật thành hai nhóm lớn là “thực vật” và “động vật”. Ý tưởng phân loại giới tự nhiên thành nhóm đã có từ thời Hy Lạp cổ đại, khi Aristoteles chia vạn vật thành 3 nhóm: thực, động vật và con người. Cách chia đôi giới tự nhiên thành “động vật” và “thực vật” được gọi là hệ thống 2 giới. Nhưng rồi có ý kiến cho rằng cần thêm cả “nấm” (nấm mốc các loại) vào thành hệ thống 3 giới mới đúng. Rồi lại có người chủ trương thêm “sinh vật nguyên sinh” (rong tảo, men) và “sinh vật nhân sơ” (vi khuẩn, vi trùng, v.v.) thành hệ thống 5 giới… Có điều ở đây chúng ta không phải ngồi học Sinh học, thôi thì nhất trí phân đôi thành “thực vật” và “động vật” cho đơn giản nhé các bạn.

Đặc điểm của thực vật

Về cơ bản, các loài thực vật đều mang những đặc điểm như sau:
1. Bên ngoài màng tế bào có lớp thành tế bào giúp thực vật tự nuôi sống bản thân cũng như chống khô héo, mất nước.
2. Nhờ quá trình quang hợpchu trình nitơ, thực vật có khả năng tổng hợp các chất vô cơ như oxy, cacbon thành chất hữu cơ cung cấp năng lượng cho bản thân.
3. Về nguyên tắc, thực vật không tự di chuyển được như động vật, nên sự sinh tồn tùy thuộc hoàn toàn vào môi trường xung quanh.
4. Tuỳ theo đặc điểm cụ thể mà còn có thể phân loại thêm, nhưng nhìn chung các loài thực vật có hạt đều gồm: thân, cuống là phần ở trên mặt đất, thực hiện quang hợp, rễ hút chất dinh dưỡng nuôi cơ thể, và hoa là cơ quan sinh sản.
Tính đến nay, con người đã phát hiện được hơn 200 ~ 300 nghìn loài thực vật sinh sống trên thế giới.

Đặc điểm của động vật

Để so sánh, chúng ta cùng ôn lại những đặc điểm chính của động vật luôn các bạn nhé.
1. Không có thành tế bào.
2. Không thể tự tổng hợp chất hữu cơ để nuôi sống cơ thể như thực vật, phải lấy thực vật hay động vật khác làm thức ăn.
3. Có hệ vận động gồm cơ bắp, khung xương, dây thần kinh, v.v., nên có thể tự do di chuyển.
4. Cơ thể phân hóa thành các hệ cơ quan như tiêu hóa, bài tiết, hô hấp, tuần hoàn, vận động, nội tiết, thần kinh, miễn dịch v.v. Ngoài ra còn có các giác quan giúp cảm nhận kích thích từ môi trường ngoài.
Tính đến nay, chúng ta đã phát hiện được khoảng 1 ~ 1,5 triệu loài động vật. Chỉ riêng về sự đa dạng thôi cũng cho thấy giới động vật vượt hơn giới thực vật phải không nào.

Phân loại thực vật

1. Thực vật có hạt: các loài thực vật có bó mạch dẫn tạo hạt.
*bó mạch dẫn: những đường ống chạy dài xuyên suốt rễ, cành, lá của thực vật. Nhờ bó mạch dẫn mà nước và các chất dinh dưỡng được chuyển đi khắp cơ thể thực vật, tương tự mạch máu trong cơ thể người.
2. Dương xỉ: các loài thực vật trên cạn, có bó mạch dẫn nhưng không tạo hạt.
3. Rêu: các loài thực vật sinh sản bằng bào tử.
4. Tảo: các loài thực vật sinh sống trong môi trường nước như sông hồ, biển cả; vô cùng đa dạng về chủng loại: từ đơn bào đến đa bào, từ loài có thành tế bào đến loài không có thành tế bào, từ loài sinh sản hữu tính đến loài sinh sản vô tính, từ loài nhỏ đến mức mắt thường không nhìn thấy được đến loài khá to lớn, v.v..

Kiến thức cơ bản về thực vật Nhật Bản

Nhật Bản có hơn 6.000 loài thực vật khác nhau, trong đó khoảng 1.600 loài là thực vật bản địa, tức là đã sinh trưởng tại Nhật từ thuở xa xưa chứ không phải du nhập từ vùng khác. Số còn lại chủ yếu đến từ con đường Trung Hoa và bán đảo Triều Tiên. Do đó hệ thực vật Nhật Bản có phần giống với Trung Quốc, Hàn Quốc.
Nước Nhật vốn có thiên nhiên đa dạng phong phú, nhưng kể từ khi con người san núi, trải bê tông, đắp đập, be bờ ngăn nước sông lạch…, thiên nhiên tươi đẹp ngày càng thu hẹp, đẩy nhiều loài thực vật đến bờ vực tuyệt chủng hoặc báo động tuyệt chủng. Thật đáng buồn các bạn ạ.
Dù sao thì ngay giữa các khu “rừng bê tông” đô thị dày đặc, mỗi độ tiết trời đổi thay chúng ta vẫn có dịp chiêm ngưỡng đủ mọi loài hoa đua chen sắc thắm. Và nếu rời thành phố về những miền sơn cước, duyên hải, bạn sẽ được chiêm ngưỡng không ít vẻ đẹp thiên nhiên vẫn còn đó vẹn nguyên như ngày nào. Trong loạt bài này, tôi mong muốn thông qua giới thực vật phong phú ở Nhật, đem đến cho các bạn những góc nhìn khác về xứ hoa anh đào.

Muôn vẻ thực vật Nhật Bản

thực vật

Posted by ODAJI