Khảo luận văn hóa Nhật Bản của một học giả Pháp

Hôm 22.6 vừa qua trời mưa rất lớn. Từ nhà tôi đến công ty thường phải đi xe đạp mất 10 phút, tàu điện 30 phút, rồi còn phải lội bộ 15 phút nữa mới tới. Gặp mưa lại càng nản. 15 phút cuối thì không sao vì là khu văn phòng, chủ yếu đi bộ giữa các tòa nhà và nhà ga thôi. Vấn đề là khoảng thời gian 10 phút từ nhà ra ga. Đi bộ mất khoảng 30 phút, xe buýt thì lâu lắm mới có một chiếc, thật là phiền phức. Nhưng nghĩ kỹ lại thì ở đâu cũng vậy. Ở các thành phố lớn, bất kể nhà xa đến đâu, mỗi ngày, cứ đến cùng một thời gian là người người, nhà nhà, bằng đủ cách thức di chuyển (ở Việt Nam sẽ là xe máy?) đều tập trung vào khu vực trung tâm. Cảnh tượng người người di chuyển này có lẽ là một nét đặc trưng của thời hiện đại. Lúc cầm ô bước nhanh đến ga, tôi chợt nghĩ: nhìn từ trên cao xuống, cảnh tượng đó có lẽ lạ lùng lắm…

Xin chào các bạn. Tôi là AY, người viết bài.

Tựa đề bài viết có nhắc nước Pháp – quốc gia có quan hệ sâu sắc với Việt Nam của các bạn. Trong bài này, qua tập khảo luận văn hoá Nhật Bản mang tên Mặt khác của trăng của nhà nhân học người Pháp Claude Lévi-Strauss (bản dịch của Kawada Junzo, nhà xuất bản Chuokoron-Shinsha), tôi thử bàn đôi nét về văn hoá Nhật Bản.

Claude Lévi-Strauss là một học giả uyên bác có ảnh hưởng to lớn đến các lĩnh vực tư tưởng như xã hội học, nhân học văn hóa, thần thoại học vào nửa sau thế kỷ 20. Ông là tác giả của nhiều tựa sách nổi tiếng như Cấu trúc cơ bản của quan hệ thân tộc, Tư duy mông muội, Định chế Tôtem hiện nay, v.v. trong đó có tuyệt tác Nhiệt đới buồn xoay quanh những câu chuyện ở Brazil. Trước vô vàn tựa sách như vậy, tôi đã rất bất ngờ khi biết ông có hẳn một chuyên khảo về Nhật Bản.

Trong tập sách, ông cho biết đã từng ghé thăm Nhật Bản 5 lần trong khoảng thời gian từ năm 1977 đến năm 1988. Tính theo tuổi tác của ông khi đó thì có vẻ như vào những năm hoàng hôn của cuộc đời ông mới bắt đầu chú ý đến Nhật Bản. Nhưng thật ra, chịu nhiều ảnh hưởng từ người cha họa sĩ, từ thuở ấu thơ, ông đã có sự quan tâm đặc biệt đến Nhật Bản.

Tác phẩm Mặt khác của trăng là tuyển tập của Claude Lévi-Strauss từ năm 1977 đến năm 2001 về xứ sở mặt trời mọc. Trong đó có một đoạn về đặc trưng văn hóa cơ bản như sau.

Nói về mối tương quan giữa thần thoại và lịch sử:

“…đối với người Phương Tây chúng ta, có một vực thẳm ngăn cách thần thoại và lịch sử. Trái lại, yếu tố hấp dẫn nhất, quyến rũ tôi nhất ở Nhật Bản lại là mối liên hệ mật thiết giữa thần thoại và lịch sử trong văn hoá. …Ngay cả bây giờ, chỉ cần đếm số xe buýt đưa đón khách hành hương đến viếng các thánh địa linh thiêng nơi đây là đủ cảm nhận được điều đó. Không thể phủ nhận rằng chính huyền thoại lập quốc vĩ đại bên cạnh những phong cảnh hùng vĩ góp phần bảo tồn và phát huy mối liên hệ hiện thực giữa những thời đại truyền thống với cảm tính tri giác của con người đương đại". (“Vị thế của văn hóa Nhật Bản trên thế giới”, tr.18)

Nói đến thần thoại Nhật Bản, tiêu biểu nhất vẫn là Cổ Sự Ký và Nhật Bản Thư Kỷ. Cả hai đều ghi chép sự tính khai thiên lập quốc của Nhật Bản với những chủ đề thường thấy trong thần thoại của các quốc gia khác. Vấn đề là những yếu tố thần thoại phổ biến trên thế giới này, ở Nhật Bản hòa hợp vào lịch sử từng chút từng chút một, rồi trở thành những tiền đề giải thích lịch sử hiện đương.

Khác với suy nghĩ thần thoại là thần thoại, lịch sử là lịch sử, giữa chúng là một vực thẳm ngăn cách của học giả Pháp; yếu tố duy linh, dung hợp trong văn hóa Nhật thể hiện rõ rệt ở sự gắn kết sâu sắc của những thần thoại về nguồn gốc của chế độ Thiên hoàng, Thần cung Ise, đền Izumo, v.v. với lịch sử phát triển của chúng trong thời hiện đại. Chẳng hạn như sự ảnh hưởng của những yếu tố thần thoại đến các doanh nghiệp ngày nay như tôi đã bàn trong bài trước về cuốn sách Tư tưởng tôn giáo điều hành 7 doanh nghiệp lớn (tác giả Shimada Hiromi, nhà xuất bản Kadokawa Shoten).

Khi tìm hiểu lịch sử Nhật Bản, có một điều tôi thấy lạ là dẫu cho đất nước bị chia cắt và biến loạn thế nào đi nữa, dẫu có những người lợi dụng Thiên hoàng để mưu đoạt thiên hạ thế nào đi nữa, cũng chẳng bao giờ có ai có cái ý nghĩ xoá sổ chế độ Thiên hoàng. Có thể nói chế độ Thiên hoàng chính là bằng chứng sống động nhất cho sự dung hợp giữa thần thoại và lịch sử ở Nhật Bản.

Quan điểm của Claude Lévi-Strauss, một học giả uyên bác đến từ nước Pháp, đất nước có quan hệ với cả Việt Nam và Nhật Bản, về đặc trưng văn hoá Nhật Bản đã khiến tôi thật sự quan tâm.

Nhất định tôi phải nghiên cứu cả thần thoại của Việt Nam.

Một ngày đầu hạ tại Kyoto, Nhật Bản.