Sẽ làm gì nếu bạn gặp một đứa trẻ mắc chứng “rối loạn phát triển”?

Tôi vốn không giỏi trong việc đột nhiên phải thay đổi lịch trình trong ngày hoặc thay đổi sắp xếp trong phòng. Tôi cũng thường cảm thấy bình yên hơn khi “mọi thứ diễn ra như mong đợi" hay “cuộc sống cứ như mọi ngày". Vì vậy, tôi cảm thấy mình có sự gần gũi với chứng tự kỷ mà tôi có dịp tiếp xúc khi tôi làm giáo viên tại một trường hỗ trợ đặc biệt.

Tự kỷ là một chứng rối loạn trong giao tiếp và trong mối quan hệ với người khác, thường thấy qua các hành vi thường xuyên có giới hạn như “cách thể hiện hứng thú với điều gì đó" (ví dụ như yêu thích con số và có thể ghi nhớ nhiều chữ số) hay “hành vi và hoạt động" (ví dụ như thích chơi té nước nên có thể chơi trong nước hàng giờ mà không biết chán).

Thông thường ở Nhật Bản, sau vài lần kiểm tra y tế khi trước 3 tuổi, nếu phát hiện trẻ bị chưng tự kỷ thì người ta sẽ đến các tổ chức có liên quan để được tư vấn. Gần đây, ranh giới giữa những người có và không có đặc điểm của tự kỷ rất mơ hồ và chuyển biến liên tục. Giới hạn này được gọi là “phổ tự kỷ" (autism spectrum).

Theo một khảo sát được thực hiện bởi Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ tại Nhật Bản, 6,5% những người có các đặc tính này đang được đăng ký vào các lớp học thường xuyên. Con số đó quả là không nhỏ. Có thể thấy giáo dục hỗ trợ đặc biệt đang được thúc đẩy ở Nhật Bản và việc hỗ trợ để phát huy các đặc tính như thế đang lan rộng.

Nói đến từ “trở ngại", bạn có thể cảm thấy điều gì đó thua thiệt hơn người bình thường. Tuy nhiên con người vốn dĩ rất đa dạng. Có người chạy nhanh thì cũng có người chạy chậm. Có người mạnh về con số thì cũng có người giỏi về biểu đạt ngôn từ. Nếu mọi người đều có khả năng và đặc tính giống nhau thì nền văn minh của chúng ta đã không phát triển đến thế này. Chúng ta sống trong một xã hội được tạo thành từ việc phát huy khả năng của mỗi người và bổ sung cho nhau.

Những người trong nhóm “rối loạn phổ tự kỷ" cũng có tính cách phong phú như chúng ta. Như tôi đã đề cập, tôi là người thường cảm thấy lo lắng về những sự kiện bất ngờ và những bối cảnh mới. Giống như tôi, có những người trong nhóm rối loạn phổ tự kỷ cũng thích sự “đúng kế hoạch, như mọi khi". Lý do tôi không bị xếp vào nhóm người có trở ngại là cho dù có rơi vào tình huống không đúng kế hoạch, không như mọi khi thì tôi vẫn có thể vượt qua bằng cách thỏa hiệp với hiện thực và tùy cơ ứng biến.

Tuy nhiên, lại có người phản ứng dữ dội với những điều khác với những gì họ dự liệu (như là hoảng loạn và phát ra tiếng nói lớn, cắn ngón tay cho đến khi chảy máu để bình tĩnh lại). Phản ứng đột ngột và dữ dội làm cản trở cuộc sống hàng ngày của họ và phá vỡ sự hài hòa với môi trường sống xung quanh. Vì vậy, họ cần sự hỗ trợ để vượt qua mà không phải kích động mạnh và khổ sở. Sở dĩ tôi có thể hỗ trợ họ dù tôi không được công nhận là người có trở ngại là vì tôi có thể đồng cảm với sự khổ sở khi bất an và bối rối của họ.

Đạo luật hỗ trợ người rối loạn phát triển (có hiệu lực tại Nhật Bản từ năm 2005) có định nghĩa “rối loạn phát triển" là những rối loạn một chức năng nào đó ở não và triệu chứng thường xuất hiện khi còn nhỏ tuổi như là rối loại phổ tự kỷ và các hội chứng khác như rối loạn phát triển lan tỏa, khuyết tật học tập, rối loạn tăng động giảm chú ý.

Nếu bạn gặp phải một đứa trẻ mắc chứng rối loạn phát triển, trước tiên, hãy xem trẻ như một cá thể không khác gì bạn và không thể thay thế. Và bạn hãy thử nghĩ rằng cho đến khi gặp bạn, trẻ đã không được biết rằng mình mang những đặc điểm, các tính của rối loạn phát triển. Và vì thế trẻ đã bị hiểu lầm rằng không nỗ lực đủ nên có những trải nghiệm khó khăn và phải sống trong một môi trường căng thẳng.

Một số trẻ bị rối loạn phát triển rất nhạy cảm với sự khác biệt của chúng so với những người khác và dễ bị tổn thương, dẫn đến việc chúng trở thành nạn nhân của việc bắt nạt nghiêm trọng. Ngoài ra so với chúng ta, chúng yếu đuối hơn, dễ lo lắng và hiểu lầm hơn đối với những sự việc đương nhiên trong cuộc sống (động đất, thảm họa, ùn tắc giao thông, chậm trễ giao thông, v.v… ). Vì thế chúng dễ rơi vào trạng thái không thể an tâm. Sẽ thật tuyệt biết bao nếu bạn cũng tâm niệm được như vậy và có thể tiếp xúc với trẻ với một tấm lòng ấm áp.