“Thất bại” cùng con chính là cơ hội để con phát triển “năng lực phi nhận thức”

“Làm sao mà con biết được!”

Hôm trước, cậu con trai học tiểu học của tôi đã không đóng được tiền cho trường. Đó là một “thất bại” của thằng bé.

Trường gửi giấy báo thu tiền học lâu rồi. Để mấy đứa nhỏ khỏi quên, thầy cô cũng đã nhắc bằng bút đỏ trong sổ liên lạc nữa. Thế thì khó quên được vì mấy đứa mang theo sổ liên lạc suốt ấy mà.

Thế là đến sáng hôm thu tiền, tôi bảo con “Mẹ để tiền vào đây nhé, cái ngăn trước mẹ hay cất mấy món đồ quan trọng đấy”, rồi bỏ phong bì tiền học vào cặp của thằng bé. Con thì cứ như thường lệ, vừa thay đồ vừa coi tivi và trả lời lấy lệ “Dạ dạ, con biết rồi!”. Tôi cằn nhằn “Nè, có thật là biết rồi không đó?” mà cứ nghĩ nó lúc nào chẳng thế nên nên tôi cứ vậy mà tiễn con đi học.

Thế rồi vừa về đến nhà, con đã nói vọng vào “Mẹ? Mẹ đâu có bỏ tiền vào cặp con đâu! Có mình con quên à, thầy giận con quá trời!”. Tôi vừa nghĩ thầm “Gì chứ?! Mình nhớ rõ ràng là có bỏ vào cơ mà…” vừa tìm trong cặp của con, thấy ngay chỗ tiền ở ngăn trước. Tôi đưa cho con xem và bảo: “Rõ ràng là ở đây mà!”, con tôi đáp “Ơ… mẹ để ở đây sao con biết được!?”. Nghe xong tôi muốn nổi đóa luôn.

Trao cho con cơ hội tự làm việc của mình

Nhưng mà khoan đã, để tôi quay ngược thời gian lại và làm lại lần nữa. Đó là lúc con đang xem thời khoá biểu để bỏ sách giáo khoa vào cặp sau khi làm xong bài tập. Phải chi lúc đó tôi bảo con “Đây, cái này là tiền quan trọng, con bỏ vào cặp đi nhé!” rồi đưa phong bì cho con. Nếu tôi là thế, con sẽ được đặt trong tình cảnh phải tự ngẫm nghĩ xem “Phải để tiền ở đâu mới không làm rơi trên đường đến trường nhỉ?”

Tua nhanh thêm một chút đến buổi sáng hôm sau khi con vừa thay đồ vừa xem tivi. Lúc đó tôi nên đợi cho con thay đồ xong, tức là đợi đến lúc thằng bé không còn bị phân tâm bởi việc thay quần áo nữa gọi con lại: “Đừng xem tivi nữa, lại gần xem cái cặp của con nào!”. Rồi sau đó tôi nên bảo con “Đây là tiền quan trọng đấy, tự con bỏ vào chỗ nào con muốn rồi mang đến trường cẩn thận nhé!”

Phải thừa nhận rằng lần này tôi đã phạm phải một “thất bại nghiêm trọng”. Trong đó có một điểm mấu chốt tôi phải tự kiểm điểm. Đó chính là tôi đã chiều chuộng con quá mức, cái gì tôi cũng làm cho thằng bé. Tôi cũng nhận ra con tôi phụ thuộc quá nhiều vào mẹ, ý thức tự làm lấy việc của mình còn khá kém.

“Năng lực phi nhận thức”

Nhân tiện đây tôi xin nói thêm, “năng lực nhận thức” là năng lực có thể định lượng bằng giá trị như tính toán, đọc chữ, chỉ số IQ,… Ngược lại, năng lực trong đời sống, tinh thần không thể định lượng được gọi là “năng lực phi nhận thức”. Những năm gần đây, người ta tiến hành và quan tâm nhiều hơn đến những nghiên cứu cho rằng phải chăng năng lực phi nhận thức chính là yếu tố quyết định tương lai một người chứ không phải là năng lực nhận thức. Thất bại lần này của con trai tôi là cơ hội tuyệt hảo để thằng bé phát triển “năng lực phi nhận thức”. Ngay cả những lúc không suôn sẻ, năng lực tự suy nghĩ xem “mình phải làm sao mới được đây?” (một trong những “năng lực phi nhận thức”) có liên quan đến khả năng thành công ngoài xã hội khi con trưởng thành.

Không có cách nuôi dạy con nào là “đúng” hoàn toàn, và cũng không có cách nuôi con nào mà không có “thất bại”. Vậy nên bạn hãy an tâm mà cùng thất bại với con, hãy cứ lặp lại vòng tròn thử rồi thất bại rồi lại thử, để nâng cao năng lực phi nhận thức của con trẻ bạn nhé!