Triển vọng khởi sắc về dạy lập trình trong nhà trường Nhật Bản

Vậy là đã sang năm 2018 rồi. Ở Nhật, ngoài cách ghi năm Tây lịch còn có cách biểu thị năm theo niên hiệu nữa. Thông thường, niên hiệu sẽ thay đổi theo triều đại của Thiên hoàng, song năm nay vì nhiều lý do mà niên hiệu đang sử dụng – Heisei – đã sắp đến hồi kết thúc rồi. Vậy nên có thể nói năm nay là một năm rất đặc biệt đối với nước Nhật.

Hồi năm bắt đầu sử dụng niên hiệu Heisei, tôi mới là sinh viên năm nhất đại học. Đến nay cũng đã ngót 30 năm rồi. Nghĩ đến là tôi lại thấy ngậm ngùi vì mình đã già đi nhiều…

Xin chào các bạn, tôi là AY, hiện đang trọ khách sạn trong chuyến công tác đây.

Trong bài này, tôi xin giới thiệu về môn Lập trình trong nhà trường Nhật và dự án liên quan mà công ty chúng tôi phụ trách.

Hiện nay trí tuệ nhân tạo (AI) đã thâm nhập vào hầu hết các lĩnh vực đời sống đến nỗi gần như không ngày nào là tôi không nghe nhắc đến. Ngay cả trong phòng khách sạn tôi đang ở cũng có thông báo:

“Trước khi liên hệ bộ phận Lễ tân, quý khách có muốn thử hỏi AI không?”

Nghe đâu có thể hỏi AI bất cứ điều gì suốt 24/24 luôn. Trước đây tôi từng trọ tại một khách sạn có lễ tân là robot, phụ trách từ hướng dẫn du lịch đến thủ tục khách sạn.

AI có cái hay là không ngừng học tập, nhờ đó mà trí tuệ nâng cao nhanh chóng. AI liên tục tương tác với thế giới qua Internet, tích luỹ thêm cơ sở tri thức mỗi phút mỗi giây.

Có ý kiến cho rằng một khi AI thâm nhập vào xã hội, nhiều khả năng một số lớn ngành nghề sẽ chẳng cần con người đảm đương như bây giờ nữa. Không nói đâu xa, ngay tại Nhật hiện nay đã có những thông báo điều chỉnh nhân sự quy mô lớn ở các ngân hàng rồi. Lẽ nào những nghiệp vụ giữa người với người xưa nay rồi sẽ thành ra người với AI hết sao?

Vậy thì còn công việc gì cần đến con người nữa? Và khi đó con người cần phải có năng lực gì để có thể tồn tại trong cái xã hội đó đây?

Hiện nay khắp thế giới đều đang lên tiếng về tình trạng thiếu hụt lập trình viên để có thể xây dựng một xã hội như vậy. Bên cạnh đó là thiếu hụt nguồn nhân lực với hình thức tư duy mà một lập trình viên thực thụ cần có.

Tại Nhật, chính phủ đã bàn về chuyện này trong chiến lược phát triển công bố vào tháng 6 năm 2013, cho biết sẽ “đẩy mạnh giáo dục CNTT như môn Lập trình ngay từ giai đoạn giáo dục bắt buộc”. Giáo dục bắt buộc ở Nhật là cấp tiểu học và trung học cơ sở.

Vừa qua, Bộ Giáo dục & Khoa học Nhật Bản cũng mới ban hành chính sách quy định từ năm 2020 trở đi Lập trình Máy tính sẽ trở thành môn bắt buộc trong trường tiểu học. Như vậy là hai năm nữa, học sinh tiểu học Nhật Bản đều sẽ được học Lập trình.

Việt Nam là quốc gia đảm nhiệm phát triển phần mềm offshore (ngoại biên) tiêu biểu của Nhật. Trong nước các bạn ngành Lập trình đã có dấu hiệu khởi sắc chưa?

Công ty DSN mà tôi điều hành hiện đang thực hiện chương trình Giáo dục Lập trình Tổng hợp dành cho mọi đối tượng từ trẻ mẫu giáo đến người đi làm. Nhỏ nhất là trẻ 3 – 4 tuổi. Đối với lứa tuổi này, chúng tôi cho trẻ chơi lắp ráp mẫu robot sâu bướm gọi là Code-a-Pillar.

Tất nhiên, được trang bị kỹ năng lập trình không có nghĩa là em nào cũng chắc chắn có việc làm về sau. Nhưng như tôi đã đề cập, chúng ta đang ngày càng tiến đến kỷ nguyên sử dụng sức mạnh AI là chính. Trang bị cho các em tư duy logic chuẩn bị cho môn lập trình ngay từ nhỏ bằng cách trải nghiệm quá trình không ngừng đặt giả thiết, làm thử và điều chỉnh liên tục đến khi tìm ra đáp án, là rất cần cho lớp trẻ gánh vác thời đại mới.

Chúng ta đang trải qua công cuộc cải biến xã hội mệnh danh là Cách mạng Công nghiệp 4.0. Không còn nghi ngờ gì nữa, đó sẽ là một bước tiến lớn lao trong lịch sử loài người từ trước đến nay.